Những hạn chế, bất cập
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Sau gần 20 năm thi hành, các quy định ATVSLĐ tại Bộ luật Lao động cơ bản đã đi vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, cũng như kỹ thuật công nghệ mới, thì những yêu cầu về phúc lợi và đảm bảo ATVSLĐ cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Cụ thể như, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mới quy định việc giải quyết hậu quả thông qua chi trả chế độ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà chưa quy định về việc phòng ngừa cũng như chia sẻ rủi ro với người sử dụng lao động khi xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.
Chế độ bảo hiểm lao động hiện nay chỉ mới mang tính khắc phục rủi ro, chưa hướng mạnh đến tính phòng ngừa. |
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết: Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện đang được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội năm 2006. Tuy nhiên chế độ bảo hiểm này chỉ mới mang tính khắc phục rủi ro, chưa hướng mạnh đến mục tiêu phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, do một số chính sách chưa hợp lý nên quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang có số kết dư rất cao, chưa phù hợp với mục tiêu của chính sách.
Quỹ bảo hiểm xã hội
Bà Chuyền cho biết, để đảm bảo tính đồng bộ, tránh có sự tản mạn quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động có quy định riêng về các loại quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, đưa toàn bộ nội dung quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Luật bảo hiểm xã hội sang dự án luật này, việc thu, chi và quản lý quỹ vẫn do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện.
Thường trực Ủy ban nhận định rằng, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mang tính chất là quỹ bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động đóng 1%. Thường trực Ủy ban tán thành với dự thảo luật về việc bổ sung hai nội dung chi từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đó là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc và hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (quy định tại Điều 60).
Tuy nhiên, thường trực Ủy ban cũng thấy rằng cần phải cân nhắc việc hỗ trợ tuyên truyền, tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động, vì đây là trách nhiệm của Nhà nước. Đồng thời cần xác định rõ tiêu chí, điều kiện cụ thể để người sử dụng lao động nhận được hỗ trợ, tránh việc lạm dụng quỹ bảo hiểm.
Ngoài ra, cần thay đổi quy định về mức đóng theo hướng linh hoạt nhằm giảm chi phí cho người sử dụng lao động thay cho mức đóng cố định hiện nay. Đối với một số ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao có thể xem xét áp dụng mức đóng cao hơn. Cơ quan soạn thảo cũng cần có báo cáo đánh giá tác động khi thực hiện các chính sách này đối với việc cân bằng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, nghề nghiệp.
Đa số các đại biểu đều cho rằng, luật được đưa ra cần phải chú trọng đến đối tượng áp dụng, chú trọng đến quy chuẩn, tiêu chuẩn trong việc thiết kế chính sách cũng như công tác tư vấn, sử dụng và huấn luyện người lao động. Quan trọng nhất vẫn là phải có tổ chức trực tiếp thực hiện ATVSLĐ và có chế tài xử lý vi phạm, các phân cấp quản lý Nhà nước cần phải được làm mạnh.